Home Uncategorized Xét nghiệm phân mảnh DNA tinh trùng trong chẩn đoán hiếm muộn

Xét nghiệm phân mảnh DNA tinh trùng trong chẩn đoán hiếm muộn

0

Để thụ thai, sự toàn vẹn DNA của tinh trùng chính là yếu tố then chốt. Theo nhiều nghiên cứu, có 15 – 25% trường hợp bị vô sinh nam liên quan tới phân mảnh DNA tinh trùng. Vì vậy, trong chẩn đoán vô sinh nam, cần thực hiện xét nghiệm phân mảnh DNA tinh trùng để điều trị hiếm muộn hiệu quả hơn.

1. Sơ lược về vô sinh ở nam giới

Vô sinh là tình trạng cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ nhưng không có thai sau 12 tháng quan hệ tình dục mà không sử dụng các biện pháp tránh thai. Về nguyên nhân gây vô sinh, có 40% là do chồng, 40% là do vợ, 10% do cả hai và 10% là do nguyên nhân khác.

Vô sinh ở nam giới là loại vô sinh mà nguyên nhân được xác định là hoàn toàn do người chồng. Trong đó, 85 – 90% trường hợp do bất thường tinh trùng, 15 – 25% trường hợp do phân mảnh DNA tinh trùng, 20% là do không có tinh trùng hoặc có ít tinh trùng bất thường về nhiễm sắc thể, 1 – 6% là do cơ thể có kháng thể kháng tinh trùng,…

2. Phân mảnh DNA tinh trùng là gì?

Tinh trùng là tế bào của nam giới, thực hiện chức năng sinh sản bằng cách di chuyển trong đường sinh dục nữ, nhận biết và thụ tinh cho trứng. Mỗi tinh trùng gồm có 3 phần là đầu, thân và đuôi. Trong đầu tinh trùng chứa nhân, trong nhân có chứa DNA – vật liệu di truyền để kết hợp với bộ gen của trứng và tạo ra thai nhi.

Phân mảnh DNA tinh trùng (tinh trùng bị đứt gãy) là tình trạng chuỗi DNA của tinh trùng bị đứt gãy thành từng đoạn nhỏ. Phân mảnh DNA là một trong những bất thường di truyền của tinh trùng, gây ảnh hưởng tới khả năng thụ tinh của tinh trùng. Hiện tình trạng tinh trùng phân mảnh DNA ngày càng gia tăng, có thể đến từ các nguyên nhân như ảnh hưởng của môi trường, thói quen sinh hoạt, ăn uống,… của nam giới.

Nguyên nhân gây tinh trùng bị phân mảnh DNA thường là:

  • Môi trường: Tiếp xúc với phóng xạ, các chất độc hại, ô nhiễm môi trường, nhiệt độ tinh hoàn cao,…
  • Thói quen không tốt: Hút thuốc lá, uống rượu bia, sử dụng ma túy, chế độ ăn uống và tần suất xuất tinh không khoa học,…
  • Mắc bệnh: Giãn tĩnh mạch thừng tinh, béo phì, nhiễm khuẩn đường sinh dục,…;
  • Tinh trùng phát triển tới thời điểm trưởng thành nhưng không có cơ chế sửa lỗi DNA
  • Sai sót về khả năng tái tổ hợp nhiễm sắc thể trong quá trình hình thành tinh trùng
  • Mất tương đối về tỷ lệ protamine 1 và 2
  • Tích tụ các gốc oxy hóa
  • Apoptosis không hoàn toàn.

Dựa vào quầng nhiễm sắc để phân loại tinh trùng thành 5 loại

Nam giới có bị phân mảnh DNA tinh trùng có nguy cơ:

  • Giảm khả năng thụ tinh
  • Chất lượng phôi kém
  • Giảm tỷ lệ mang thai giảm
  • Tăng tỷ lệ sảy thai, thai chết lưu ở vợ
  • Tăng nguy cơ trẻ sinh ra mang các đột biến gây bệnh, sinh con dị tật.

3. Xét nghiệm phân mảnh DNA tinh trùng

3.1 Xét nghiệm tinh trùng bị phân mảnh DNA là gì?

Thông thường, tinh dịch đồ là xét nghiệm thực hiện đầu tiên để đánh giá khả năng sinh sản của nam giới. Tuy nhiên, xét nghiệm tinh dịch đồ chỉ giúp xác định được hình dáng bên ngoài của tinh trùng có bình thường không, chứ không thể đánh giá được hệ gen bên trong. Vì vậy, để chẩn đoán vô sinh nam cho các trường hợp nghi ngờ phân mảnh DNA tinh trùng, cần thực hiện những xét nghiệm chuyên biệt.

Xét nghiệm phân mảnh DNA tinh trùng (Halosperm test) là rất cần thiết cho các trường hợp nam giới bị vô sinh có tinh dịch đồ bình thường hoặc dưới ngưỡng bình thường và muốn hỗ trợ sinh sản. Xét nghiệm nhiễm sắc chất tinh trùng giúp kiểm tra mức độ phân mảnh DNA tinh trùng, kiểm tra lỗi trên phân tử DNA liên quan tới sự tách hoặc đứt gãy mạch đơn/mạch đôi.

Phương pháp này được thực hiện dựa trên sự phát huỳnh quang khác nhau với chất nhuộm chuyên dụng của đoạn DNA nguyên vẹn và đoạn DNA bị đứt gãy. Kỹ thuật được đo bằng máy đếm dòng chảy tế bào. Đây là xét nghiệm duy nhất có quy trình chuẩn hóa, ngưỡng giá trị chuẩn để tham khảo. Nam giới bình thường sẽ có chỉ số DFI < 15% (DFI là chỉ số đứt gãy DNA tinh trùng), lý tưởng nhất là 30% thì khả năng sinh sản rất thấp.

Tinh dịch đồ là xét nghiệm đánh giá khả năng sinh sản của nam giới

3.2 Mục đích xét nghiệm phân mảnh DNA

Đây là xét nghiệm chẩn đoán vô sinh nam và hỗ trợ sinh sản, nhằm mục đích:

  • Xác định khả năng thụ tinh của tinh trùng cũng như khả năng đậu thai, sức sống của thai nhi sau hỗ trợ sinh sản
  • Xác định nguyên nhân của các trường hợp sảy thai tự nhiên, ngừng phát triển phôi, thai lưu, thai dị tật
  • Tiên đoán được tỷ lệ thất bại của các thủ thuật như thụ tinh trong ống nghiệm, bơm tinh trùng vào buồng tử cung, tiêm tinh trùng vào bào tương noãn. Nhờ đó, bác sĩ có thể chọn lọc tinh trùng, dự đoán được chất lượng của phôi và tỷ lệ thụ thai, từ đó đưa ra biện pháp làm tăng hiệu quả của quá trình IVF.

3.3 Chỉ định xét nghiệm phân mảnh DNA

Xét nghiệm phân mảnh DNA tinh trùng được chỉ định cho:

  • Các cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn không tìm ra nguyên nhân ngay cả khi chỉ số tinh dịch đồ bình thường
  • Các cặp vợ chồng đã làm thụ tinh trong ống nghiệm thất bại nhiều lần
  • Những cặp vợ chồng có tiền sử sảy thai hoặc thai lưu liên tiếp (từ 2 lần trở lên), thai bị dị tật
  • Người đã xét nghiệm tinh dịch đồ cho kết quả số lượng tinh trùng di động ít hoặc có hình dạng bình thường ít
  • Nam giới trên 40 tuổi
  • Nam giới có tiền sử nhiễm khuẩn tiết niệu, cuộc sống căng thẳng, ung thư, sử dụng rượu bia, ma túy, tiếp xúc với hóa chất độc hại, từng phẫu thuật giãn tĩnh mạch thừng tinh,…

Lưu ý: Điều kiện để chỉ định thực hiện xét nghiệm là bệnh nhân có mật độ tinh trùng ≥ 5 triệu/mL.

3.4 Quy trình lấy mẫu xét nghiệm phân mảnh DNA

  • Cách lấy mẫu xét nghiệm: Kiêng xuất tinh 2 – 7 ngày, tốt nhất là 3 – 5 ngày. Tinh dịch sẽ được lấy bằng phương pháp tự kích thích, xuất tinh trực tiếp vào lọ đựng mẫu. Lọ đựng tinh dịch không gây ảnh hưởng tới chất lượng tinh trùng.
  • Bảo quản tinh trùng: Nên vận chuyển ngay đến phòng thí nghiệm. Nếu không, cần bảo quản: 25 – 37°C trong 1 giờ. 2 – 8°C trong 24 giờ. Có thể bảo quản lâu hơn trong nitơ lỏng.

Xét nghiệm phân mảnh DNA cần được thực hiện tại cơ sở y tế uy tín

4. Có thể điều trị được phân mảnh DNA tinh trùng không?

Có thể cải thiện tình trạng phân mảnh DNA tinh trùng bằng cách tìm ra nguyên nhân, điều trị sớm. Đồng thời, nam giới cần chú ý cải thiện lối sống sinh hoạt, ăn uống và nghỉ ngơi theo hướng khoa học để cải thiện chất lượng gen của tinh trùng. Một số lưu ý quan trọng gồm:

  • Ăn uống: Bổ sung đầy đủ dưỡng chất, đặc biệt là kẽm (có trong thịt bò, hàu), vitamin C (có trong cam, bưởi), vitamin E (có trong hạnh nhân, hạt dẻ, rau cải xanh, bơ), uống acid folic liều 1 – 5mg, bổ sung thêm thực phẩm chứa L-carnitine, Coenzyme Q10
  • Sinh hoạt: Tăng cường vận động, hạn chế sử dụng rượu bia, ngừng hút thuốc lá, tránh ngồi lâu, không tắm nước quá nóng, không bỏ điện thoại vào túi quần, tránh tiếp xúc với hóa chất độc hại,…

Kỹ thuật xét nghiệm phân mảnh DNA tinh trùng giúp bác sĩ xác định được chi tiết nguyên nhân gây vô sinh nam, từ đó đưa ra phác đồ điều trị phù hợp để rút ngắn thời gian, chi phí và nâng cao cơ hội có con cho các cặp vợ chồng.

Với mong muốn giúp các cặp vợ chồng đang gặp vấn đề về sức khỏe sinh sản hoặc nam giới tinh trùng yếu, phân mảnh DNA đến gần hơn với thiên chức làm cha mẹ, hiện Trung tâm hỗ trợ sinh sản IVF Vinmec là địa chỉ điều trị vô sinh – hiếm muộn được nhiều cặp vợ chồng chọn lựa. Cho đến nay Trung tâm đã thực hiện hỗ trợ sinh sản cho trên 1000 cặp vợ chồng hiếm muộn với tỷ lệ thành công trên 40%. Tỷ lệ này tương đương với các nước phát triển như Anh, Mỹ, Australia,…

Trung tâm quy tụ đội ngũ chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực sản phụ khoa trong nước và quốc tế. Đi cùng với đó là hệ thống trang thiết bị hiện đại, cơ sở vật chất tân tiến giúp hỗ trợ quá trình thăm khám và điều trị đạt được kết quả tốt nhất hiện nay.

Để được tư vấn trực tiếp, Quý Khách vui lòng bấm số 1900 232 389 (phím 0 để gọi Vinmec) hoặc đăng ký lịch khám tại viện TẠI ĐÂY. Nếu có nhu cầu tư vấn sức khỏe từ xa cùng bác sĩ Vinmec, quý khách đặt lịch tư vấn TẠI ĐÂY. Tải ứng dụng độc quyền MyVinmec để đặt lịch nhanh hơn, theo dõi lịch tiện lợi hơn

NO COMMENTS

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Exit mobile version