Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BS.Hồ Thị Hồng Tho – Bác sĩ Nhi sơ sinh – Khoa Nhi – Sơ sinh – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc
Khi bị tiêu chảy, hệ thống tiêu hóa của trẻ hoạt động kém hơn. Vì vậy, các món ăn lỏng, được ninh nhừ với độ dinh dưỡng cao được ưu tiên sử dụng, trong đó có cháo. Cháo là một loại thực phẩm dễ ăn, dễ kết hợp và tốt cho quá trình tiêu hóa thức ăn giúp trẻ hồi phục sức khỏe nhanh.
1. Các biến chứng xảy ra nếu trẻ không được bổ sung kịp thời chất dinh dưỡng khi bị tiêu chảy
Trẻ em mắc tiêu chảy thường mất một lượng nước, muối và điện giải lớn. Nếu không được bù lại kịp thời, trẻ có thể bị mất nước nặng, suy kiệt, suy thận cấp, suy dinh dưỡng dẫn đến tử vong. Vì vậy, phụ huynh cần giúp bé phục hồi nhanh trong và sau khi bị tiêu chảy và tránh suy dinh dưỡng bằng các thực phẩm bổ dưỡng, và phù hợp với trẻ một cách kịp thời.
2. Vì sao nên chọn cháo muối là thức ăn cho trẻ khi bị tiêu chảy?
- Ăn cháo giúp trẻ dễ tiêu hóa, dễ hấp thu, và không gây kích thích niêm mạc đường tiêu hóa
- Cháo là thực phẩm giàu dinh dưỡng và dễ phối hợp. Mẹ có thể phối hợp được nhiều thực phẩm khác như các loại rau củ quả, thịt nạc.
- Ăn cháo là một cách bù nước hiệu quả cho trẻ nên mẹ lưu ý nấu cháo loãng hơn bình thường một chút.
3. Các loại cháo muối cho trẻ bị tiêu chảy
3.1 Cháo muối
Cháo muối
Nguyên liệu:
- Gạo: 50g
- Muối: 3,5g
- Nước lọc: 1000ml
Cách nấu:
Cho các nguyên liệu kể trên vào, đun đến khi nhừ rồi lọc lấy nước.
3.2 Nước gạo rang
Nguyên liệu:
- Gạo rang: 50g
- Nước: 1000ml
Cách nấu:
Cho gạo rang vào nước, nấu nhừ rồi lọc lấy nước cho trẻ uống.
3.3 Nước chuối, nước hồng xiêm muối
Nguyên liệu:
- Chuối hoặc hồng xiêm: 5 quả
- Muối ăn: 1 thìa cà phê
Cách nấu:
Xay hoặc nghiền nát chuối hoặc hồng xiêm với một lít nước sôi để nguội kèm với một thìa cà phê muối ăn, cho trẻ uống dần.
3.4 Súp cà rốt muối
Súp cà rốt muối
Nguyên liệu:
- Cà rốt: 500g
- Muối ăn: 2 thìa cà phê
- Đường: 8 thìa cà phê
Cách nấu:
Cà rốt + 1 thìa cà phê muối ăn + 8 thìa cà phê đường nấu lên cho vào máy xay sinh tố xay nhừ, rồi rắc thêm 1 thìa cà phê muối, đun sôi lại, cho trẻ uống dần.
4. Lời khuyên về chế độ ăn uống cho trẻ bị tiêu chảy
Trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi bị tiêu chảy, mẹ vẫn tiếp tục bú bình thường và tăng số lần bú. Đối với trẻ trên 6 tháng tuổi, ngoài sữa mẹ cần cho trẻ ăn thêm các thức ăn giàu chất dinh dưỡng khác như thịt, trứng, cá, sữa,quả chín hoặc nước quả chín như chuối, cam, chanh, xoài, đu đủ (để tăng lượng kali). Có thể cho thêm một ít dầu, mỡ để tăng năng lượng của khẩu phần ăn cũng như giúp hấp thu các vitamin tan trong dầu mỡ đặc biệt là các tiền chất của Vitamin A giúp quá trình làm lành niêm mạc ruột sau tiêu chảy.
Thức ăn dành cho trẻ bị tiêu chảy cần được nấu kỹ, nấu loãng hơn bình thường, đảm bảo vệ sinh, giảm nguy cơ bội nhiễm. Cần đun lại trước khi cho ăn nếu phải cho trẻ ăn những thức ăn đã được nấu sẵn.
Trong thời gian này nên tránh cho bé dùng các loại thực phẩm có nhiều xơ khó tiêu hóa hoặc ít chất dinh dưỡng như các loại rau thô, tinh bột nguyên hạt (ngô, đỗ…). Không dùng các loại thức ăn có nhiều đường như nước giải khát công nghiệp vì có thể làm tăng tiêu chảy.
Lời khuyên về chế độ ăn uống cho trẻ bị tiêu chảy
Phụ huynh nên khuyến khích trẻ ăn càng nhiều càng tốt, trung bình 6 lần mỗi ngày hoặc nhiều hơn. Đưa về chế độ ăn bình thường nếu sau 5 ngày trẻ đã bớt tiêu chảy. Để giúp trẻ phục hồi nhanh và tránh suy dinh dưỡng sau tiêu chảy nên cho ăn thêm mỗi ngày một bữa trong hai tuần liền. Với trẻ bị tiêu chảy kéo dài, phụ huynh nên cho trẻ ăn thêm mỗi ngày một bữa và kéo dài tối thiểu một tháng.
Nếu trẻ ăn ít hoặc bị nôn nên cho ăn ít hơn và tăng thêm số bữa. Nếu tình trạng bệnh tệ hơn khi bé uống sữa bò thì thay bằng sữa đậu tương 10% hoặc sữa không có lactozo, sữa chua làm từ sữa pha.
Bên cạnh đó, cha mẹ còn cần bổ sung cho con các vi khoáng chất thiết yếu như kẽm, Lysine, crom, selen, vitamin B1, … để đáp ứng đầy đủ nhu cầu về dưỡng chất ở trẻ. Việc bổ sung các vitamin thiết yếu này còn hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường khả năng hấp thu dưỡng chất, giúp cải thiện tình trạng biếng ăn, giúp trẻ ăn ngon miệng. Cha mẹ có thể đồng thời áp dụng việc bổ sung chất qua đường ăn uống và các thực phẩm chức năng có nguồn gốc từ tự nhiên để bé dễ hấp thụ. Điều quan trọng nhất là việc cải thiện triệu chứng cho bé thường phải diễn ra trong thời gian dài. Việc kết hợp nhiều loại thực phẩm chức năng cùng lúc hoặc thay đổi liên tục nhiều loại trong thời gian ngắn có thể khiến hệ tiêu hóa của bé không kịp thích nghi và hoàn toàn không tốt. Vì vậy cha mẹ phải thực sự kiên trì đồng hành cùng con và thường xuyên truy cập website vinmec.com để cập nhật những thông tin chăm sóc cho bé hữu ích nhé.