Home Uncategorized Tiêm bắp: Định nghĩa và giáo dục bệnh nhân

Tiêm bắp: Định nghĩa và giáo dục bệnh nhân

0

Tiêm bắp là cách thức đưa thuốc trực tiếp vào trong cơ bắp của người bệnh. Đây là phương pháp tiêm thuốc thông dụng nhất và dễ dàng thực hiện. Thông tin về vị trí, cách thực hiện, biến chứng và các loại thuốc tiêm bắp cần được nắm rõ để đảm bảo an toàn cũng như giảm thiểu đau đớn cho người bệnh.

1. Tiêm bắp là thế nào?

Tiêm bắp là kỹ thuật được nhân viên y tế sử dụng để đưa thuốc vào sâu trong cơ bắp thông qua kim tiêm, giúp hấp thụ vào máu một cách nhanh chóng. Đây là một kỹ thuật phổ biến trong y học nhằm đưa thuốc và vắc-xin vào cơ thể.

Thuốc sẽ phát huy tác dụng nhanh hơn so với kỹ thuật tiêm dưới da. Bởi cơ được tưới máu nhiều và luôn co bóp, vì thế quá trình hấp thu thuốc tại bắp nhanh hơn so với mô liên kết dưới da.

2. Các thuốc tiêm bắp

Một trong những điều quan trọng trong điều trị, chăm sóc bệnh nhân là đảm bảo tác dụng tối ưu của thuốc được sử dụng và giảm thiểu cảm giác khó chịu hoặc đau đớn. Trong thực hành y tế, các thuốc tiêm bắp thường gặp bao gồm:

  • Thuốc tiêm bắp Glucagon.
  • Adrenaline 1: 1000.
  • Benzyl Penicillin.
  • Hydrocortisone.

Đây là những thuốc tiêm bắp thường dùng trong các tình huống khẩn cấp, phải xử trí nhanh để bảo vệ tính mạng người bệnh. Đôi khi, một số loại thuốc đã được trình bày sẵn trong mũi tiêm có định liều, người bệnh hay cả người chăm sóc cũng như người phát hiện hoàn cảnh cấp cứu có thể thực hiện tiêm bắp ngay lập tức mà không cần trì hoãn để chờ đợi nhân viên y tế.

Có một số loại thuốc tiêm bắp thường dùng được trong các tình huống khẩn cấp, phải xử trí nhanh.

3. Tiêm bắp ở vị trí nào?

Có năm vị trí đã được xác định phù hợp để tiêm bắp:

  • Vùng mông sau ngoài.
  • Vùng mông sau.
  • Vùng cơ delta.
  • Cơ thẳng đùi.
  • Cơ đùi ngoài.

Tất cả các nhóm cơ trên cơ thể đều có dây thần kinh và được cung cấp máu, tuy nhiên, năm vị trí nêu trên nằm xa các mạch máu và dây thần kinh chính nên phù hợp cho việc thực hiện các mũi tiêm bắp. Trong đó, vùng cơ cạnh trước – bên của đùi hoặc cánh tay trên thường sử dụng hơn vì chúng dễ tiếp cận và cho phép sự hấp thụ thuốc một cách nhanh chóng.

4. Chỉ định và chống chỉ định tiêm bắp trong lâm sàng

Chỉ định thuốc dùng tiêm bắp cần hấp thu nhanh (10–20 phút) nhưng thời gian tác dụng kéo dài. Đồng thời, thể tích thuốc nhỏ, chỉ từ 1–5 ml mới có thể được sử dụng qua đường tiêm bắp. Tuy nhiên, trong một số trường hợp nhất định, chẳng hạn như đối với bệnh nhân hạ đường huyết, tiêm tĩnh mạch Glucose 10% sẽ được ưu tiên hơn so với tiêm bắp glucagon, nhưng các yếu tố lâm sàng và tình huống người bệnh sẽ cần được xem xét trước khi đưa ra quyết định lâm sàng.

Chống chỉ định của tiêm bắp là thực hiện trên những vị trí có dấu hiệu phù nề, viêm nhiễm, nhiễm trùng hoặc tổn thương da và tưới máu kém. Đồng thời, người bệnh cần được đánh giá có cơ địa phải được tưới máu tốt để đảm bảo thuốc hấp thu vào trong cơ.

Người bệnh cần có cơ địa tưới máu tốt để đảm bảo thuốc tiêm bắp hấp thu vào trong cơ.

5. Tiêm bắp được thực hiện như thế nào?

Chuẩn bị trước khi tiêm bắp:

  • Giải thích quy trình tiêm bắp cho bệnh nhân và được đồng ý thực hiện thủ thuật nếu tình trạng lâm sàng cho phép. Bệnh nhân phải được thông báo đầy đủ về lợi ích và hậu quả của bất kỳ thủ tục cần thiết nào. Nhân viên y tế cần phải hết sức cảnh giác và trấn an vì nhiều bệnh nhân gặp phải chứng sợ kim tiêm.
  • Đánh giá vị trí chọn để thực hiện tiêm bắp dựa trên chỉ định lâm sàng, loại thuốc được sử dụng, tuổi và các tình trạng sẵn có của bệnh nhân cũng như bối cảnh môi trường.
  • Thực hiện kiểm tra thuốc theo quy trình nhằm đảm bảo sử dụng đúng loại thuốc, liều lượng, thời điểm cho bệnh nhân.
  • Kiểm tra bệnh nhân có tiền căn dị ứng không.
  • Định vị bệnh nhân để đảm bảo có tư thế thoải mái và tối ưu cho vị trí được chọn để tiêm bắp. Bộc lộ vùng da đã chọn và kiểm tra nhằm đảm bảo vị trí này phù hợp để tiêm thuốc.

Các bước thực hiện:

  • Rửa tay và đeo găng tay.
  • Làm sạch vị trí tiêm với cồn isopropyl 70% và để khô trong 30 giây.
  • Rút thuốc vào ống tiêm. Thường chọn kim 21G hay 23G.
  • Kéo căng da sang một bên hoặc sử dụng phương pháp tiêm hình chữ Z, giữ da bằng tay không thuận.
  • Giữ mũi tiêm thẳng góc bằng tay thuận, nhanh chóng đưa kim vào da ở góc 90o đến 1⁄2 hay 2/3 mũi tiêm.
  • Rút pít-tông ra một chút để đảm bảo không đâm trúng mạch máu. Nếu thấy có máu, hãy rút kim và vứt vào thùng đựng vật sắc nhọn. Chèn gòn vào vị trí đã tiêm; giải thích cho bệnh nhân những gì đã xảy ra và sau đó chọn một kim tiêm cũng như vị trí mới để bắt đầu lại. Nếu không có máu, đẩy pít-tông để tiêm thuốc với tốc độ 1 ml/10 giây giúp làm giảm cảm giác đau đớn.
  • Sau khi tiêm, cần đợi 10 giây để thuốc hấp thụ và khuếch tán rồi rút kim, vứt vào thùng đựng vật nhọn. Không chà xát vết thương, vì điều này có thể làm cho thuốc chảy ra ngoài theo đường tiêm. Đặt một miếng gạc lên vị trí đã tiêm.
  • Viết hồ sơ tiêm thuốc theo đúng chỉ định, ghi chú tên thuốc, liều lượng đã cho, đường dùng, thời gian và thông tin chi tiết về bệnh nhân.
  • Đánh giá lại bệnh nhân để kiểm tra các dấu hiệu của phản ứng quá mẫn như sưng đau, phù nề tại chỗ tiêm; nặng là khó thở, nổi mề đay, phù mặt, môi, lưỡi, choáng váng và tụt huyết áp.

Tóm lại, tiêm bắp là cách thức tiêm truyền phổ biến và hiệu quả nhất để đưa thuốc vào trong cơ thể. Dù vậy, nhân viên y tế cũng cần thường xuyên tự trau dồi để không ngừng nâng cao chất lượng mũi tiêm. Bên cạnh đó, những người cần tự tiêm thuốc hoặc chăm sóc người bệnh nên hỏi bác sĩ để được tư vấn và hướng dẫn, đồng thời làm quen với quy trình trước khi tiêm. Đặc biệt, cần phải nhận ra và nhanh chóng tìm kiếm sự trợ giúp y tế nếu gặp các tác dụng phụ kéo dài hoặc nghiêm trọng sau khi tiêm bắp.

Nguồn tham khảo: Medicalnewstoday.com, Paramedicpractice.com, Healthline.com

NO COMMENTS

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Exit mobile version