Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa II Phạm Văn Minh – Bác sĩ Chấn thương chỉnh hình – Khoa Ngoại tổng hợp – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc.
Vùng khớp vai là vị trí dễ bị tổn thương nhất trên cơ thể, bởi khớp vai là khớp có phạm vi vận động lớn nhất, vì vậy nó cũng dễ bị tổn thương hơn các khớp khác. Thoái hóa khớp cùng vai đòn là một trong những tổn thương hay gặp ở vùng khớp vai. Tổn thương này có thể khiến cho bệnh nhân bị đau và hạn chế một phần vận động của khớp vai.
Để hiểu rõ về tổn thương này chúng ta cần phải nắm rõ được đặc điểm cấu tạo và chức năng của khớp cùng vai đòn. Thông qua đó chúng ta sẽ biết được khi nó bị thoái hóa sẽ xuất hiện các triệu chứng gì để có thể phát hiện và điều trị kịp thời.
1. Cấu tạo vùng vai
Vùng vai có cấu tạo vô cùng đặc biệt, cấu trúc xương và toàn bộ phần thân trên của cơ thể chỉ được kết nối với nhau bằng một khớp đó là khớp ức đòn. Ngoài ra, toàn bộ cấu trúc của vùng vai bao gồm: xương bả vai, xương đòn, xương cánh tay được hỗ trợ bởi các mô mềm gồm cơ, dây chằng. Cấu tạo này cho phép cánh tay của chúng ta có thể vận động trong phạm vi rất rộng, nhưng đây cũng chính là lý do khiến cho vùng vai dễ bị tổn thương.
Khớp vai được cấu tạo bởi ba xương: xương đòn, xương bả vai và xương cánh tay. Các xương này kết nối với nhau tạo thành các khớp cùng – đòn và khớp ổ chảo – cánh tay. Các khớp này được giữ lại bằng bao khớp và các dây chằng.
Bọc bên ngoài khung xương này là cơ tam giác và 4 gân cơ xoay. Có một túi hoạt dịch nằm giữa mỏm cùng xương bả vai và gân cơ chóp xoay để gân cơ không bị cọ xát vào xương khi vận động. Khớp vai sẽ vận động linh hoạt, uyển chuyển khi khung xương vững chắc, gân cơ khỏe mạnh và các khớp phải trơn tru.
Cấu tạo vùng vai và khớp vai
Khi nói đến “khớp vai” mọi người sẽ hiểu đó là khớp ổ chảo – cánh tay, được cấu tạo bởi ổ chảo của xương vai và chỏm xương cánh tay. Diện khớp có hình chỏm cầu giúp tối đa hóa khả năng linh hoạt, cho phép cánh tay có thể chuyển động trong một khoảng rộng. Khớp vai có ba trục quay với sáu động tác là gấp – duỗi, dạng – khép và xoay trong – xoay ngoài, đồng thời nó cũng có thể quay vòng.
Mọi người thường quên mất khớp còn lại của vùng vai đó là khớp cùng vai đòn. Khớp này tuy không có nhiều vận động như các khớp khác, nhưng nó cũng tham gia vào hoạt động của vùng vai, giúp cho cánh tay có tầm hoạt động lớn. Đây cũng chính là nơi tiếp nối phần xương vai cánh tay với khung xương của cơ thể. Chính vì vậy khi thoái hóa khớp cùng vai đòn cũng gây đau vùng vai và hạn chế vận động của vai, cánh tay.
2. Thoái hóa khớp cùng vai đòn
Khi bị thoái hóa khớp nói chung và khớp cùng vai đòn nói riêng, luôn xuất hiện tình trạng viêm vô khuẩn tại khớp đó. Đau và viêm khớp cùng đòn có thể là tình trạng cấp tính xảy ra sau chấn thương hoặc là tình trạng mạn tính, kéo dài dai dẳng do vận động quá nhiều.
Tổn thương cấp tính thường gặp ở người trẻ tuổi do chấn thương, tuy nhiên trường hợp này cũng ít gặp. Tình trạng tổn thương viêm mạn tính hay gặp ở người trung niên (trên 40 tuổi) và người cao tuổi.
Thoái hóa khớp cùng vai đòn thường gặp ở người trung niên
Khi khớp cùng đòn phải vận động quá nhiều sẽ dẫn tới hỏng bao khớp và đĩa sụn. Mặc dù tình trạng thoái hóa có thể bắt đầu từ sau 20 tuổi nhưng những triệu chứng ở giai đoạn cuối của phản ứng viêm thoái hóa thường chỉ xuất hiện ở tuổi trung niên trở đi.
Ngoài nguyên nhân do thoái hóa, viêm mạn tính khớp cùng đòn cũng có thể là hậu quả của các tổn thương khác của khớp vai. Khi lực tác động lên khớp cùng đòn quá nhiều và có thoái hóa sẽ dẫn đến tình trạng viêm thoái hóa khớp cùng vai đòn. Viêm thoái hóa khớp cùng đòn có thể dẫn đến tiêu xương đòn.
Thoái hóa khớp cùng đòn thường tiến triển dần dần theo thời gian và gây đau. Người bệnh sẽ cảm thấy đau, sưng, tràn dịch phía ngoài của vai. Bệnh nhân thường thấy đau ở phía trên khớp cùng đòn, đau tăng khi vận động khớp vai và giảm khi nghỉ ngơi. Đau khi người bệnh chuyển từ trạng thái nghỉ ngơi sang trạng thái hoạt động vai. Các động tác gây đau tăng ở khớp cùng đòn đó là:
- Chống đẩy
- Đẩy tạ
- Đưa tay quá đầu
Động tác chống đẩy làm tăng cơn ở khớp vai
Ngoài ra, một số bệnh nhân có thể cảm nhận thấy tiếng cọ sát tại khớp cùng đòn khi cử động.
Khi chụp X-quang khớp vai có thể thấy hình ảnh thoái hóa khớp cùng đòn gồm gai xương, đặc xương dưới sụn và hẹp khe khớp. Đôi khi ở giai đoạn sớm của bệnh, bác sĩ có thể chụp cộng hưởng từ để phát hiện hiện tượng viêm phù nề khớp.
3. Điều trị thoái hóa khớp cùng vai đòn
Cùng bị thoái hóa khớp cùng vai đòn, những mỗi bệnh nhân sẽ có một mức độ tổn thương khác nhau. Tùy theo mức độ tổn thương đó mà bác sĩ sẽ lựa chọn phác đồ điều trị phù hợp cho từng bệnh nhân.
3.1. Điều trị nội khoa
- Thay đổi thói quen vận động: trong giai đoạn viêm, bạn nên hạn chế các động tác gây tăng áp lực lên khớp cùng đòn.
- Khi bị đau cấp do chấn thương có thể chườm lạnh.
- Dùng các thuốc chống viêm giảm đau hoặc tiêm corticoid.
Người bệnh được sử dụng thuốc trong điều trị nội khoa
3.2. Điều trị ngoại khoa
Sau khi điều trị nội khoa từ 2 -3 tháng mà tình trạng bệnh không cải thiện, lúc này bệnh nhân có thể cần phẫu thuật. Bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật cắt bỏ đầu tận của xương đòn qua mổ nội soi hoặc mổ mở. Hoặc phẫu thuật mài các gai xương và tạo hình lại cho khớp cùng đòn.
Khớp cùng vai đòn tuy chỉ là một khớp nhỏ nhưng nếu nó bị thoái hóa có thể gây đau và ảnh hưởng đến vận động của vai, tay. Viêm thoái hóa khớp cùng vai đòn là một trong những nguyên nhân gây đau khớp vai thường gặp, chỉ đứng sau tổn thương chóp xoay.
Phát hiện và điều trị sớm giúp giảm đau và cải thiện chức năng vận động khớp vai. Khi điều trị bảo tồn không đem lại hiệu quả, cần phải cân nhắc tới việc phẫu thuật. Bởi vậy, ngay khi xuất hiện những triệu chứng của bệnh, bạn nên đến cơ sở y tế uy tín để khám và điều trị.
Trung tâm Chấn thương chỉnh hình và Y học thể thao Vinmec là một trong số ít các Trung tâm đạt chuẩn FIFA trên thế giới và đầu tiên tại Việt Nam. Trung tâm được đầu tư lớn về công nghệ như 3D Technology in Medicine Center (Trung tâm nghiên cứu Công nghệ 3D trong Y học), Motion Analysis Lab (Phòng nghiên cứu, phân tích chuyển động) đầu tiên tại Việt Nam, ngang tầm với khu vực và trên thế giới.
Về chuyên môn, Vinmec đã làm chủ kỹ thuật và tạo ra sự đột phá trong điều trị, với các kĩ thuật tiên tiến cá thể hóa trong điều trị như ánh xạ giải phẫu, phẫu thuật chính xác sử dụng Robot trong mổ, phục hồi chức năng và dinh dưỡng chuyên sâu … đồng thời có mạng lưới hợp tác với nhiều chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực y học thể thao trên thế giới. Chính vì vậy ngày 23/03/2022, Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) đã chính thức kí hợp tác cùng Vinmec nhằm nâng cao chất lượng công tác y tế dành cho các cầu thủ trong đội tuyển. Bên cạnh việc điều trị chấn thương phục vụ thi đấu, hợp tác giữa VFF và Vinmec còn bao gồm hoạt động nghiên cứu và đào tạo y học thể thao bài bản và chuyên nghiệp để nâng cao chất lượng chuyên môn.
Để được tư vấn trực tiếp, Quý Khách vui lòng bấm số 1900 232 389 (phím 0 để gọi Vinmec) hoặc đăng ký lịch khám tại viện TẠI ĐÂY. Nếu có nhu cầu tư vấn sức khỏe từ xa cùng bác sĩ Vinmec, quý khách đặt lịch tư vấn TẠI ĐÂY. Tải ứng dụng độc quyền MyVinmec để đặt lịch nhanh hơn, theo dõi lịch tiện lợi hơn