Trật khớp vai xảy ra khi đầu của xương cánh tay bị trật ra khỏi ổ xương vai, làm biến dạng mỏm cùng vai. Trong một số trường hợp nắn chỉnh không hiệu quả do dịch lệch khớp xa hoặc trật khớp vai lặp đi lặp lại nhiều lần, người bệnh cần can thiệp tạo hình mỏm cùng vai. Hiện nay, phẫu thuật nội soi tạo hình mỏm cùng vai thường được thực hiện thay thế cho các cuộc mổ hở, vừa giúp can thiệp hiệu quả cho người bệnh, vừa giúp quá trình hậu phẫu trở nên đơn giản hơn.
1. Vai trò của phẫu thuật nội soi tạo hình mỏm cùng vai
Tạo hình mỏm cùng vai là chỉ định cần đặt ra trong các trường hợp gây mỏm cùng vai, thường gặp nhất là do trật khớp vai. Trật khớp vai xảy ra khi đầu xương cánh tay không còn nằm trong ổ chảo xương vai, có thể là một phần, khi đầu xương cánh tay không bị lệch ra hoàn toàn, hoặc toàn phần. Nguyên nhân trật khớp vai hầu như xảy ra do chấn thương đột ngột, chẳng hạn như bị ngã mạnh khi cánh tay dang rộng. Một số môn thể thao cũng có thể làm tăng nguy cơ bị trật khớp vai như động tác ném bóng.
Thông thường, các mô mềm bao quanh vai sẽ giúp giữ cho đầu cánh tay vẫn ở đúng vị trí. Tuy nhiên, nếu lực tác động quá mạnh, các mô bị rách hoặc căng ra, khớp vai sẽ bị trật ra ngoài. Thậm chí, nếu nắn chỉnh trở lại thành công, nguy cơ trật khớp vai tái diễn vẫn mắc phải do các mô mềm không hồi phục hoàn toàn. Lúc này, can thiệp tạo hình mỏm cùng vai sẽ được đặt ra.
Hơn nữa, vai trò của phẫu thuật tạo hình mỏm cùng vai lúc này không chỉ để sửa chữa hoặc thắt chặt các cấu trúc bị tổn thương mà còn có thể cần thiết nếu trật khớp gây ra tổn thương cho xương trong khớp. Như vậy, trước khi can thiệp, bác sĩ chỉnh cần cần phân biệt rõ trật khớp vai với gãy xương vai, có kèm rách vai, tổn thương các mô mềm, nhất là ảnh hưởng đến dây chằng nối khớp xương đòn.
Trước đây, quá trình can thiệp nêu trên thường được tiến hành qua phẫu trường mổ hở. Tuy nhiên ngày nay, nhờ những thành tựu trong kỹ thuật nội soi, các phẫu thuật chỉnh hình đã có một giao diện mới. Theo đó, phẫu thuật nội soi tạo hình mỏm cùng vai đã thay thế nhiều cho mổ hở, vừa thừa hưởng được những ưu điểm của nội soi, vừa tái lập lại cấu trúc cũng như tạo hình mỏm cùng vai nguyên vẹn như ban đầu. Nhờ đó, trong một số trường hợp trật khớp vai đơn giản, người bệnh có thể được thực hiện phẫu thuật xâm lấn tối thiểu không yêu cầu nằm viện qua đêm và đẩy nhanh thời gian hồi phục, nhất là các đối tượng vận động viên.
Tạo hình mỏm cùng vai được chỉ định phần lớn trong các trường hợp trật khớp vai
2. Phẫu thuật nội soi tạo hình mỏm cùng vai được thực hiện như thế nào?
Phẫu thuật cho một khớp vai bị trật khớp thường được yêu cầu để thắt chặt các gân hoặc dây chằng bị rách hoặc bị kéo căng. Bác sĩ phẫu thuật cũng có thể sửa chữa dây chằng bị rách, vòng sụn bao quanh ổ vai và ổn định xương bả vai nhằm tạo hình mỏm cùng vai về như nguyên vẹn. Dựa trên kỹ thuật nội soi khớp chẩn đoán, các bác sĩ phẫu thuật đã tiếp cận vai bằng các vết mổ rất nhỏ và can thiệp chỉnh sửa, hạn chế sang chấn cho các mô liên quan xung quanh.
2.1 Lập kế hoạch phẫu thuật
Bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình có thể yêu cầu thăm khám tổng quát trước cuộc mổ để đảm bảo rằng người bệnh không có bất kỳ vấn đề y tế nào cần được giải quyết. Lúc này, người bệnh có thể cần xét nghiệm máu, điện tâm đồ hoặc chụp X-quang để tiến hành phẫu thuật một cách an toàn.
Nếu có một số rủi ro sức khỏe nhất định, người bệnh có thể cần phải được đánh giá rộng hơn trước khi phẫu thuật. Đồng thời, người bệnh cũng cần thông báo cho bác sĩ phẫu thuật biết về bất kỳ loại thuốc hoặc chất bổ sung nào đang dùng và có thể cần ngừng dùng một số loại thuốc này trước khi phẫu thuật.
Nếu có sức khỏe toàn trạng nói chung khỏe mạnh, phẫu thuật nội soi tạo hình mỏm cùng vai rất có thể sẽ được thực hiện như một bệnh nhân ngoại trú. Như vậy, cuộc mổ sẽ được lập kế hoạch cẩn thận để chuẩn bị trước đó, bao gồm thời điểm ngừng ăn hoặc uống trước mổ.
Trước khi phẫu thuật, người bệnh sẽ được tư vấn về các lựa chọn gây mê. Nội soi khớp vai có thể được thực hiện bằng cách sử dụng cách phong bế khối dây thần kinh khu vực làm tê vai và cánh tay. Thuốc tê được tiêm vào cổ hoặc cao trên vai nơi xuất phát của các dây thần kinh kiểm soát cảm giác ở vai và cánh tay. Ngoài công dụng làm thuốc tê khi phẫu thuật, thuốc phong bế dây thần kinh sẽ giúp kiểm soát cơn đau trong vài giờ sau khi phẫu thuật xong.
2.2 Quá trình tiến hành
Khi vào phòng mổ, bệnh nhân sẽ được định vị để bác sĩ phẫu thuật có thể dễ dàng điều chỉnh máy nội soi khớp, giúp có thể nhìn rõ bên trong vai. Hai tư thế bệnh nhân thường gặp nhất khi phẫu thuật nội soi khớp vai là ngồi dựa hay nằm nghiêng trên bàn mổ. Mỗi vị trí có một số lợi thế riêng và việc phẫu thuật viên chọn vị trí nào là dựa trên quy trình đang được thực hiện, cũng như kinh nghiệm đào tạo của từng cá nhân.
Sau khi được định vị, phẫu thuật viên sẽ loại bỏ lông và thoa dung dịch sát trùng lên vai để làm sạch da. Phần quanh vai và cánh tay sẽ được che phủ bằng màn vô trùng, cánh tay và cẳng tay bên can thiệp cũng được đặt vào một thiết bị giữ để đảm bảo nằm yên.
Bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật nội soi khớp bằng cách sử dụng một dụng cụ nhỏ, có kích thước bằng bút chì gọi là ống soi khớp được đưa vào cấu trúc khớp thông qua một vết rạch vừa đủ. Máy nội soi khớp có một máy quay video và một đèn chiếu sáng ở một đầu và gửi hình ảnh trực tiếp bên trong vai tới một màn hình gần đó. Hình ảnh rõ ràng bên trong của khớp có thể được phóng đại nhiều lần để hiển thị các chi tiết nhỏ trong xương, gân, dây chằng và xương đòn.
Sau khi định vị máy nội soi khớp, các dụng cụ phẫu thuật nhỏ sẽ được đưa vào qua một đường rạch khác. Dưới hình ảnh hướng dẫn từ nội soi, dây chằng bị rách, xương gãy sẽ được chỉnh sửa lại, đảm bảo tạo hình mỏm cùng vai. Khi quan sát toàn diện phẫu trường đã đảm bảo, các dụng cụ nội soi sẽ được rút ra, bác sĩ sẽ lâu lại các vết rạch nhỏ chỉ với một hay hai mũi khâu đơn giản. Người bệnh có thể ra về trong vòng vài giờ sau khi phẫu thuật. Các bác sĩ có thể kê đơn thuốc giảm đau trong một hoặc hai tuần đầu tiên. Khi vai đã lành và bớt đau, thuốc giảm đau không kê đơn có thể dùng thay thế.
Người bệnh được khuyến cáo nên cố định cánh tay và vai bằng địu vải trong vòng bốn đến sáu tuần, giúp tạo điều kiện cho các mô mềm lành lại. Song song đó, bác sĩ chỉnh hình cũng sẽ theo dõi quá trình lành lại sau tạo hình mỏm cùng vai trong các lần hẹn tái khám 10 đến 14 ngày sau. Sau sáu tuần, người bệnh sẽ được khuyến khích tham gia khóa vật lý trị liệu trong ba đến sáu tháng để xây dựng lại sức mạnh cơ bắp và phục hồi biên độ cử động của khớp vai.
Phẫu thuật nội soi tạo hình mỏm cùng vai hiện nay đã thay thế nhiều cho mổ hở
3. Các biến chứng có thể mắc phải và kết quả sau phẫu thuật nội soi tạo hình mỏm cùng vai
Với những ưu điểm do kỹ thuật nội soi ngày nay đem lại, hầu hết các bệnh nhân đều không gặp biến chứng sau nội soi khớp vai chẩn đoán lẫn điều trị. Tuy nhiên, cũng như bất kỳ phẫu thuật nào, phẫu thuật nội soi tạo hình mỏm cùng vai cũng tiềm ẩn một số rủi ro nhất định. May mắn là các biến chứng này thường là những biểu hiện nhẹ và có thể điều trị được. Các nguy cơ tiềm ẩn sau khi can thiệp nội soi khớp vai là nhiễm trùng, chảy máu, hình thành máu đông và sang chấn trên mạch máu hoặc dây thần kinh… Bác sĩ phẫu thuật sẽ luôn thảo luận về các biến chứng có thể xảy ra với người bệnh và thân nhân trước khi quyết định phẫu thuật.
Về kết quả dài hạn, vì bệnh nhân có tình trạng sức khỏe khác nhau, nguyên nhân và mức độ tổn thương trật khớp vai khác nhau nên thời gian hồi phục hoàn toàn ở mỗi người là khác nhau. Nếu phẫu thuật nội soi tạo hình mỏm cùng vai chỉ được tiến hành để sửa chữa đơn giản, người bệnh có thể không cần dùng địu và sức cơ của khớp vai có thể trở lại sau một thời gian ngắn. Theo đó, người bệnh có thể trở lại làm việc hoặc đi học trong vòng vài ngày sau phẫu thuật.
Ngược lại, đối với các tổn thương phức tạp, người bệnh mất nhiều thời gian hơn để phục hồi sau phẫu thuật nội soi tạo hình mỏm cùng vai. Đôi khi quá trình phục hồi hoàn toàn có thể mất đến vài tháng. Mặc dù đây có thể là một quá trình chậm, việc tuân theo hướng dẫn của bác sĩ phẫu thuật và kế hoạch phục hồi chức năng là rất quan trọng để có được kết quả thành công toàn diện.
Tóm lại, phẫu thuật nội soi tạo hình mỏm cùng vai là can thiệp mà bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình sử dụng để kiểm tra, chẩn đoán và điều trị các vấn đề bên trong khớp vai nói chung, đối với các trường hợp trật khớp vai nói riêng. Lợi ích của tạo hình mỏm cùng vai qua ngã nội soi đạt được vượt bậc hơn so với các cuộc mổ hở như trước đây, giúp bệnh nhân ít đau hơn, rút ngắn thời gian hồi phục và sớm trở lại các hoạt động yêu thích.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec có đội ngũ bác sĩ khoa Cơ xương khớp giàu chuyên môn và kinh nghiệm, với đầy đủ phương tiện kỹ thuật hiện đại sẽ giúp chẩn đoán chính xác các bệnh lý cơ xương khớp nói chung và tình trạng bong gân khớp cổ chân nói riêng. Bệnh nhân khi thấy dấu hiệu bong gân có thể đến Vinmec để được thăm khám bằng những phương pháp tiên tiến với chất lượng dịch vụ y tế chuyên nghiệp.
Để được tư vấn trực tiếp, Quý Khách vui lòng bấm số 1900 232 389 (phím 0 để gọi Vinmec) hoặc đăng ký lịch khám tại viện TẠI ĐÂY. Nếu có nhu cầu tư vấn sức khỏe từ xa cùng bác sĩ Vinmec, quý khách đặt lịch tư vấn TẠI ĐÂY. Tải ứng dụng độc quyền MyVinmec để đặt lịch nhanh hơn, theo dõi lịch tiện lợi hơn
Nguồn tham khảo: nyulangone.org – orthoinfo.aaos.org – ncbi.nlm.nih.gov