Home Uncategorized Những kỹ thuật y tế nào giúp chẩn đoán gãy xương gót

Những kỹ thuật y tế nào giúp chẩn đoán gãy xương gót

0

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Lê Hồng Chiến – Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh – Can thiệp – Khoa Chẩn đoán hình ảnh và Y học hạt nhân – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

Nguyên nhân gãy xương gót chân thường do lực tác động rất mạnh sau chấn thương hoặc tai nạn. Có thể chẩn đoán gãy xương gót bằng chụp X quang hoặc chụp cắt lớp vi tính nếu cần thiết. Quyết định điều trị bó bột hay phẫu thuật nên được hội chẩn chuyên khoa chấn thương chỉnh hình.

1. Tổng quan gãy xương gót

Gãy xương gót chân là một thương tổn nặng nhưng hiếm gặp, chiếm tỷ lệ khoảng 2% trong số các loại gãy xương nói chung và 60% trường hợp gãy xương vùng cổ chân. Loại chấn thương này thường gặp ở tuổi trung niên lao động chân tay, khiến họ khó trở lại với công việc sau tai nạn. Gãy xương gót cũng có thể gặp phải ở các vận động viên điền kinh, chạy marathon đường dài.

Thông thường, gãy xương gót là do lực mạnh dồn trục dọc vào bàn chân, ví dụ như ngã từ trên cao tiếp đất bằng gót. Cũng bởi do ngã cao, có khoảng 10 – 30% người bệnh còn gặp những tổn thương phối hợp nghiêm trọng như: gãy xương chậu, cẳng chân, chấn thương cột sống, chấn thương gãy nén cột sống thắt lưng… Có tới 10% trường hợp gãy xương gót bị bỏ sót ở khoa cấp cứu, nhưng nếu không được chẩn đoán và điều trị nhanh chóng có nguy cơ dẫn đến di chứng.

Vẫn còn có nhiều tranh luận xung quanh quyết định điều trị bảo tồn hay phẫu thuật, bởi một số nghiên cứu lâm sàng thấy rằng, điều trị bằng phẫu thuật cũng không tốt hơn điều trị bảo tồn. Trong khi đó, các phẫu thuật ít xâm lấn có hy vọng mang lại kết quả khá hơn dù chưa được kiểm chứng bằng các nghiên cứu so sánh.

2. Phân loại và triệu chứng gãy xương gót

2.1. Dựa theo đường gãy trên phim X-quang

  • Gãy ngoài khớp (chiếm 25 – 30% trường hợp): Đường gãy không đi vào diện khớp dưới sên. Bao gồm gãy củ trước xương gót, gãy thân xương gót và gãy mấu xương gót.
  • Gãy nội khớp (chiếm 70 – 75% trường hợp): Đường gãy đi vào diện khớp dưới sên, thường do ngã cao, lực dồn lên thân xương gót.

Gãy xương gót trên phim X-quang

2.2. Theo Sander dựa trên phim CT-scanner

  • Loại I: Gãy di lệch nhỏ hơn 2mm
  • Loại II: Gãy thành 2 mảnh, di lệch 2mm
  • Loại III: Gãy thành 3 mảnh, di lệch 2mm
  • Loại IV: Gãy từ 4 mảnh trở lên, di lệch 2mm

2.3. Triệu chứng lâm sàng

Thông thường, khu vực xung quanh xương gót bị gãy và bàn chân sau của bệnh nhân sẽ rất đau, sưng nề. Cụ thể:

  • Đau, sưng phù nề, bầm tím, biến dạng vùng gót chân
  • Nhìn phía sau thấy gót chân bè ra, giảm độ cao, trục cổ chân nghiêng ra ngoài
  • Bệnh nhân không thể đặt gót chân xuống đất vì đau đớn
  • Trường hợp gãy xương gót nhẹ có thể đi lại được nhưng khập khiễng

Ngoài ra, khoảng 10% bệnh nhân có xảy ra hội chứng khoang cấp tính.

3. Chẩn đoán gãy xương gót

Phương pháp hình ảnh giúp chẩn đoán gãy xương gót phổ biến nhất là chụp X-quang, đôi khi cũng cần chụp cắt lớp vi tính (CT Scan) tùy trường hợp và điều kiện.

3.1. Chụp X-quang

Để chẩn đoán gãy xương gót, chụp X-quang tư thế thẳng và nghiêng thường được chỉ định:

  • Tư thế thẳng: Thấy tính liên tục của thành xương bị mất đi, đồng thời có thay đổi trục của xương
  • Tư thế nghiêng: Góc Bohler nhỏ hơn 25 độ, diện khớp gót dưới sên bị sập xuống, nhìn thấy mất liên tục thành xương (đường vỡ) ở thân xương gót.

Trong đó, góc Bohler còn gọi là góc lồi củ, được xác định trên phim chụp tư thế nghiêng. Góc lồi củ được tạo bởi (1) đường từ đỉnh điểm diện khớp sau điểm cao nhất trên diện khớp trước và (2) đường từ điểm cao nhất của diện khớp sau điểm cao nhất của lồi củ sau. Góc Bohler bình thường từ 20 – 40 độ, vì vậy nếu nhỏ hơn 20 độ sẽ gợi ý gãy xương gót.

Chuoj CT gãy xương gót

3.2. Chụp phim CT

Chụp CT scanner sẽ được thực hiện nếu:

  • Khám lâm sàng nghi ngờ người bệnh bị gãy xương gót nhưng chụp X-quang không rõ
  • Góc Bohler nhỏ hơn 20 độ
  • Cần biết thêm chi tiết về kiểu gãy.

Khi tiến hành chụp cắt lớp vi tính sẽ thấy rõ đường gãy, số mảnh rời và sự di lệch.

4. Chỉ định điều trị gãy xương gót

Sau khi hội chẩn chấn thương chỉnh hình, quyết định điều trị bảo tồn hay mổ sẽ tùy thuộc kiểu và tính chất gãy, tuổi tác và giới tính của bệnh nhân, tình trạng phần mềm tại chỗ,…

Cần hội chẩn chấn thương chỉnh hình, vì gãy xương gót phạm khớp có nên phẫu thuật hay không vẫn còn nhiều tranh cãi. Trước đây, khi chưa có kỹ thuật chụp CT, cũng như thiếu nhiều phương tiện kết hợp xương và kháng sinh tốt… thì gãy xương gót chủ yếu được điều trị bảo tồn. Ngày nay, với sự phát triển của chẩn đoán hình ảnh và các phương tiện y học đa dạng, thì phẫu thuật được chỉ định rộng rãi hơn. Tuy nhiên, có nhiều nghiên cứu cho rằng kết quả cải thiện chức năng sau mổ không có khác biệt lớn.

Điều trị bảo tồn sẽ được chỉ định khi:

  • Gãy xương gót ít hoặc không di lệch, gãy bên ngoài khớp
  • Gãy di lệch nhưng phù nề phần mềm, loạn dưỡng, người già, người có chống chỉ định gây mê / tê, gãy phức tạp, gãy xương gót trên chân mất chức năng.

Gãy xương gót ngoài khớp có thể kiểm soát được triệu chứng bằng cách:

  • Nghỉ ngơi, không tỳ chân
  • Băng chun / thun giúp bảo vệ
  • Chườm mát và nâng cao chân.

Sau khi đã giải quyết được vấn đề sưng nề, bác sĩ sẽ cho tiến hành bó bột. Bó bột xong cần chăm sóc bằng cách:

  • Không để bột thạch cao ướt nước, giữ bột sạch sẽ
  • Từ 7 – 10 ngày sau chấn thương cần thay bột tròn kín
  • Thời gian bó bột khoảng 6 – 8 tuần
  • Đi lại bằng nạng, không tì chân trong lúc mang bột.

Bác sĩ bó bột điều trị gãy xương gót

Tóm lại, gãy xương gót thường do chấn thương rất mạnh lên trục dọc bàn chân, nhiều khả năng sẽ kèm theo các thương tổn khác. Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, chấn thương này có thể để lại di chứng nặng nề. Chẩn đoán gãy xương gót chủ yếu dựa trên X-quang và chụp CT nếu cần, đồng thời chú ý kiểm tra tổn thương cột sống thắt lưng, khung chậu. Điều trị bằng phẫu thuật hay bảo tồn sẽ tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể.

Thực tế đã cho thấy, gãy xương nếu không được điều trị đúng và kịp thời sẽ để lại di chứng rất lớn, ảnh hưởng đến sức khỏe, thẩm mỹ và sinh hoạt của người bệnh. Chính vì thế, ngay khi bị gãy xương, người bệnh cần đến các bệnh viện uy tín để được bác sĩ thăm khám và đưa ra phương án điều trị đúng nhất.

Phẫu thuật kết hợp xương trên màn hình tăng sáng là phương pháp điều trị tân tiến và mang lại kết quả cao nhất hiện đang được Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec áp dụng trong điều trị gãy xương. Đây là phương pháp không cần bó bột, ít tổn hại phần mềm xung quanh, thời gian mổ ngắn, bộc lộ chính xác vị trí ổ gãy, giảm thiểu nguy cơ nhiễm trùng, giảm số ngày nằm viện sau mổ, giảm đau trong mổ và sau mổ tốt, tạo điều kiện tập phục hồi chức năng sớm, bệnh nhân sớm trở lại sinh hoạt bình thường. Bên cạnh đó việc điều trị luôn được thực hiện bởi đội ngũ bác sĩ giàu chuyên môn có nhiều năm kinh nghiệm trong nghề sẽ mang lại kết quả điều trị tốt nhất cho bệnh nhân.

Để được tư vấn trực tiếp, Quý Khách vui lòng bấm số 1900 232 389 (phím 0 để gọi Vinmec) hoặc đăng ký lịch khám tại viện TẠI ĐÂY. Nếu có nhu cầu tư vấn sức khỏe từ xa cùng bác sĩ Vinmec, quý khách đặt lịch tư vấn TẠI ĐÂY. Tải ứng dụng độc quyền MyVinmec để đặt lịch nhanh hơn, theo dõi lịch tiện lợi hơn

NO COMMENTS

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Exit mobile version