Home Uncategorized Lọc máu chu kỳ bằng kỹ thuật thận nhân tạo

Lọc máu chu kỳ bằng kỹ thuật thận nhân tạo

0

Thận có vai trò rất quan trọng trong cơ thể người, vì vậy khi thận bị tổn thương hay do nhiều nguyên nhân khác nhau gây suy thận dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm cho người bệnh, thậm chí là tử vong. Lọc máu chu kỳ bằng kỹ thuật chạy thận nhân tạo là phương pháp được chỉ định sử dụng đối với những bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối cũng là giai đoạn thận bị hư tổn nặng nề nhất.

1.Những điều cần biết về bệnh suy thận

Suy thận được hiểu đơn giản là các chức năng lọc máu, đào thải và cân bằng pH của thận bị suy giảm dẫn đến không chuyển hóa được hết các chất độc trong máu làm chỉ số độc tố trong máu tăng cao. Suy thận nếu không được điều trị kịp thời sẽ để lại hậu quả vô cùng nguy hiểm và có khả năng gây tử vong cho người bệnh. Suy thận có thể dẫn đến những biến chứng rất nguy hiểm như gây ra tình trạng tăng kali máu, các bệnh lý về tim mạch, phù phổi, gây yếu xương, giảm khả năng sinh sản,…

Suy thận được chia thành 5 giai đoạn dựa vào mức độ lọc của cầu thận:

Giai đoạn đầu ( giai đoạn 1,2): Suy thận ở mức độ nhẹ, người bệnh không có nhiều biểu hiện lâm sàng rõ ràng, mức độ lọc máu ở cầu thận từ 60-90 ml/ phút. Hầu hết bệnh nhân suy thận đều không phát hiện ra mình bị bệnh trong giai đoạn này. Các trường hợp phát hiện ra đa phần là do ngẫu nhiên khi đi kiểm tra sức khỏe hoặc có làm các xét nghiệm liên quan mới phát hiện ra.

Bệnh nhân suy thận có thể xuất hiện triệu chứng thiếu máu nhẹ

Giai đoạn 3: Bệnh nhân suy thận ở giai đoạn này đã xuất hiện những triệu chứng như thiếu máu nhẹ, cơ thể hay mệt mỏi, chán ăn và cảm thấy tức ở hai bên hố lưng. Mức độ lọc máu ở giai đoạn này giảm xuống dưới 60ml/ phút.

Giai đoạn 4: Đây là giai đoạn bệnh tiến triển nặng hơn, mức độ lọc máu giảm xuống thấp chỉ còn dưới 30ml/ phút. Bệnh nhân có nhiều biểu hiện xuất hiện rõ ràng hơn như chán ăn, buồn nôn hoặc nôn, xuất huyết đường tiêu hóa, tăng huyết áp, người xanh xao hơn, chân, tay, mi mắt sưng phù, khó thở, co giật và có thể là cả hôn mê.

Giai đoạn 5: Đây là giai đoạn cuối của suy thận, thận của người bệnh ở giai đoạn này đã hư tổn rất nặng, mức độ lọc máu xuống thấp dưới 15ml/ phút, người bệnh có biểu hiện lâm sàng của các bệnh về tiêu hóa, tim mạch, thần kinh, da và máu.

Nguyên nhân hình thành bệnh suy thận có thể là do biến chứng của nhiều bệnh lý khác nhau như tiểu đường, huyết áp cao, viêm cầu thận, viêm thận kẽ, bệnh thận đa nang, phì đại tuyến tiền liệt, sỏi thận, viêm bể thận,…

Ngoài những nguyên nhân trên, những yếu tố sau cũng góp phần gia tăng tỷ lệ gây ra bệnh suy thận như người nghiện thuốc lá, béo phì, ăn mặn, uống quá ít nước, người bệnh có người thân trong gia đình mắc bệnh thận, người có cấu trúc thận bất thường bẩm sinh, người cao tuổi,…

Để điều trị suy thận, người bệnh cần thay đổi lối sống, sử dụng thuốc, các trường hợp suy thận nặng phải chạy thận nhân tạo hoặc can thiệp phẫu thuật ghép thận.

2.Chạy thận nhân tạo là gì?

Chạy thận nhân tạo

Chạy thận nhân tạo là hình thức lọc máu chu kỳ ngoài cơ thể ở bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối. Máu từ cơ thể bệnh nhân sẽ được truyền ra ngoài đi qua các màng lọc với chất thẩm tách để lọc nước dư thừa và các độc tố ra ngoài, số máu còn lại sau khi lọc sạch sẽ được truyền lại vào cơ thể người bệnh.

Trước khi thực hiện chạy thận nhân tạo, động mạch và tĩnh mạch của bệnh nhân sẽ được phẫu thuật nối thông với nhau với mục đích tăng lưu lượng máu chảy đến máy chạy thận nhân tạo và cũng thuận lợi cho dòng máu sau khi lọc các chất độc và nước quay trở lại từ máy về cơ thể.

Các trường hợp được bác sĩ chỉ định chạy thận nhân tạo thường là các đợt cấp của suy thận mạn và tùy vào mức độ tiến triển của suy thận. Trước khi chạy thận nhân tạo từ 3-6 tháng, bệnh nhân sẽ được thực hiện tạo đường nối động mạch, tĩnh mạch. Trường hợp chống chỉ định tương đối với bệnh nhân đa dị tật nặng và bệnh nhân có rối loạn đông máu, ngoài ra, hai trường hợp sau không thể thực hiện chạy thận nhân tạo được là bệnh nhân đang bị sốc do bất kỳ nguyên nhân nào và bệnh nhân bị nhiễm HIV.

3. Quy trình lọc máu chu kỳ bằng kỹ thuật thận nhân tạo

X- quang tim phổi để kiểm tra tình trạng của bệnh nhân

3.1 Chuẩn bị, khởi động máy

Bác sĩ thực hiện mở hệ thống nước và máy chạy thận sau đó chọn chế độ sát trùng máy chạy thận, quá trình sát trùng sẽ diễn ra trong vòng 30 giây.

Sau khi máy báo sát trùng xong thì bật sang chế độ chạy thận.

3.2 Kiểm tra tình trạng người bệnh trước khi tiến hành lọc máu chu kỳ

Tiến hành kiểm tra tình trạng lâm sàng, cận lâm sàng của người bệnh trong 24 giờ trước đó: điện tim, phim X- quang tim phổi, tình trạng tim mạch hiện tại.

Kiểm tra các loại thuốc bệnh nhân sử dụng gần đây nhất sau đó kiểm tra các chỉ số sinh hóa thông thường và các xét nghiệm gần nhất như protein máu, tình trạng đông máu, men tim, tiền xử dị ứng,…

Bác sĩ tiến hành kiểm tra lại các chỉ định cho buổi lọc như xét nghiệm trước và sau lọc, thời gian lọc máu chu kỳ, vận tốc máu, quả lọc, thuốc chống đông,

3.3 Chuẩn bị cho người bệnh lọc máu chu kỳ

Trước khi tiến hành chạy thận nhân tạo, người bệnh sẽ được điều dưỡng hoặc y tá đưa đi thực hiện các bước chuẩn bị như cân ( cần thực hiện cân chính xác nhất cân nặng của bệnh nhân), đo huyết áp, mạch ở các tư thế nằm, đứng.

Sau đó người bệnh được đưa ra nằm lên giường để chuẩn bị lọc máu. Vị trí thông mạch của bệnh nhân phải được sát trùng cẩn thận, rộng rãi.

Đo huyết áp trước khi tiến hành chạy thận nhân tạo

Sau đó điều dưỡng tiến hành chọc kim, kim động mạch hướng về miệng nối, kim tĩnh mạch hướng lên cao và ngược với kim động mạch và hai kim đó sẽ được cố định bằng băng dính đã chuẩn bị sẵn

Bác sĩ phải đặt chương trình lọc máu trước khi tiến hành nối vòng tuần hoàn vào người bệnh, sau đó mới tiến hành nối vòng tuần hoàn, tiến hành nối đường dây động mạch với kim động mạch sau đó mở kẹp ở kim và dây động mạch. Tiến hành kiểm tra bơm máu đang ở vị trí 0 ml/phút sau đó cho bơm máu chảy, máu người bệnh sẽ được hút theo bơm, nước muối sinh lý trong dây và quả lọc bị đẩy về túi đựng nước thải, máu dâng dần trong vòng tuần hoàn – tấn công liều heparin – khi máu đến bầu xanh (bầu tĩnh mạch) thì dừng bơm máu. Tiến hành kẹp đường dây tĩnh mạch đồng thời kiểm tra xem có khí ở trong vòng tuần hoàn hay không. Sau đó nối đường tĩnh mạch với kim tĩnh mạch của người bệnh và chú ý sát trùng đầu nối. Cho bơm tăng dần tốc độ lên 100ml/ phút và tăng tốc độ máu lên từ từ đồng thời kiểm tra áp lực động tĩnh mạch trên màn hình máy, chú ý cố định các đường dây an toàn, tránh vướng phải.

Tiến hành lọc máu và theo dõi buổi lọc máu bằng cách kiểm tra huyết áp, mạch của bệnh nhân từng giờ, kiểm tra áp lực động mạch, tĩnh mạch, nồng độ dịch lọc, tình trạng toàn thân của người bệnh và ghi chép lại.

3.5 Trả máu về cho người bệnh

Trả máu lại máu cho người bệnh là đưa toàn bộ máu ở vòng tuần hoàn vào cơ thể người bệnh và kết thúc buổi lọc. Thời gian trên màn hình máy lọc trở về 0.00 tức là buổi lọc máu đã kết thúc. Quy trình trả máu cho người bệnh diễn ra như sau:

  • Dừng bơm máu, kẹp kim động mạch và dây động mạch.
  • Tháo kim động mạch với đường dây động mạch, nối đường dây động mạch với dịch NaCl 0,9 % chai 500ml, mở kẹp đường động mạch, cho bơm máu chạy với tốc độ thấp, nước muối sẽ đẩy máu từ từ vào cơ thể người bệnh đến khi quả lọc, đường dây sạch máu.
  • Trả lại máu ở kim động mạch cho người bệnh bằng bơm tiêm có nước muối sinh lý. Dừng bơm máu khi vòng tuần hoàn đã sạch máu

3.6 Theo dõi sau chạy thận nhân tạo và xử lý tai biến nếu có

Sau khi bệnh nhân thực hiện xong quá trình lọc máu chu kỳ trong chạy thận nhân tạo, người bệnh sẽ được theo dõi một thời gian ngắn, nếu có các tai biến xảy ra sẽ được hỗ trợ xử lý ngay lập tức.

  • Tụt huyết áp: tắt siêu lọc, bù lưu lượng tuần hoàn
  • Chuột rút: bù dịch NaCl 0,9% hoặc muối ưu trương.
  • Buồn nôn, nôn: xử trí theo nguyên nhân. Ví dụ: do tụt huyết áp, hội chứng mất cân bằng, phản ứng màng lọc.

Ngoài ra còn các tai biến khác như loạn nhịp tim, phản ứng với màng lọc, co giật, tan máu, tắc mạch do khí, các biến chứng do thủ thuật thực hiện,…

Mọi thắc mắc cần được bác sĩ chuyên khoa giải đáp cũng như quý khách hàng có nhu cầu khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec

Để được tư vấn trực tiếp, Quý Khách vui lòng bấm số 1900 232 389 (phím 0 để gọi Vinmec) hoặc đăng ký lịch khám tại viện TẠI ĐÂY. Nếu có nhu cầu tư vấn sức khỏe từ xa cùng bác sĩ Vinmec, quý khách đặt lịch tư vấn TẠI ĐÂY. Tải ứng dụng độc quyền MyVinmec để đặt lịch nhanh hơn, theo dõi lịch tiện lợi hơn

NO COMMENTS

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Exit mobile version