Home Uncategorized Chẩn đoán xoắn buồng trứng bằng cách nào?

Chẩn đoán xoắn buồng trứng bằng cách nào?

0

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Trịnh Thị Phương Nga – Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh – Khoa Chẩn đoán hình ảnh và Y học hạt nhân – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City

Xoắn buồng trứng là bệnh lý thường gặp ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Nếu không phát hiện kịp thời, xoắn buồng trứng có thể dẫn tới hoại tử gây nhiễm trùng, nhiễm độc và ảnh hưởng tới khả năng sinh sản về sau. Vì vậy, chẩn đoán xoắn buồng trứng kịp thời có ý nghĩa rất quan trọng trong việc điều trị bệnh, phòng ngừa biến chứng.

1. Sơ lược về xoắn buồng trứng

Xoắn buồng trứng là tình trạng buồng trứng bị xoắn lại xung quanh các dây chằng giữ nó. Tình trạng này có thể gây cắt đứt đột ngột nguồn cung cấp máu cho buồng trứng, vòi trứng, dẫn tới những cơn đau nhói ở khu vực này.

Xoắn buồng trứng có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, phổ biến là ở nhóm phụ nữ trong độ tuổi sinh sản 20 – 40 tuổi. Tuy nhiên, bệnh cũng có thể xuất hiện ở phụ nữ mãn kinh, trẻ em và cả trẻ sơ sinh. Có hơn 65% trường hợp xoắn buồng trứng xảy ra ở phần ống dẫn trứng, vòi trứng.

Yếu tố nguy cơ gây xoắn buồng trứng là có khối u nang buồng trứng (u nang đơn thuần, u nang bì, u nang xuất huyết). Kích thước khối u càng lớn thì nguy cơ xoắn buồng trứng càng cao. Ngoài ra, người từng được kích thích buồng trứng (tạo trứng rụng trong hỗ trợ sinh sản), người có tiền sử phẫu thuật vùng tiểu khung, chậu hông,… cũng có nguy cơ bị xoắn buồng trứng cao. Ngoài ra, các thay đổi áp lực ổ bụng như nôn, ho, vận động mạnh,… cũng có thể là yếu tố khởi phát tình trạng xoắn buồng trứng.

Bệnh có triệu chứng lâm sàng không rõ ràng, nhiều biểu hiện khác nhau, phụ thuộc vào thời gian, mức độ, vị trí và tần suất xoắn. Buồng trứng không thể tự tháo xoắn có thể dẫn tới những biến chứng nguy hiểm như gây hoại tử buồng trứng, áp xe vùng chậu hông hoặc viêm phúc mạc.

Xoắn buồng trứng là tình trạng buồng trứng bị xoắn lại xung quanh các dây chằng giữ nó.

2. Chẩn đoán xoắn buồng trứng

Trong y khoa có các cách chẩn đoán xoắn buồng trứng sau:

2.1. Dựa trên các triệu chứng lâm sàng

  • Xuất hiện cơn đau dữ dội, đột ngột ở vùng chậu, thường là vùng chậu bên phải, đau từng cơn hoặc liên tục. Triệu chứng đau thường không đỡ dù đã dùng các loại thuốc giảm đau thông thường. Trường hợp buồng trứng tự tháo xoắn thì cơn đau có thể dịu đi.
  • Nôn và buồn nôn: Xảy ra ở khoảng 47 – 70% các trường hợp bị xoắn buồng trứng và dễ gây nhầm lẫn với những bệnh lý ở đường tiêu hóa như thực quản, dạ dày, đại tràng hoặc tiết niệu (nhiễm trùng tiết niệu, sỏi niệu quản)
  • Triệu chứng do chèn ép: Tiểu khó, táo bón, phù chi dưới
  • Sốt: Thường xảy ra khi bước sang giai đoạn muộn, khi đã bị nhiễm trùng.

Các triệu chứng của xoắn buồng trứng không rõ ràng, thường đa dạng, phụ thuộc vào vị trí, thời gian, mức độ và tần suất xoắn.

2.2. Dựa trên các xét nghiệm cận lâm sàng

Siêu âm chẩn đoán xoắn buồng trứng là kỹ thuật được sử dụng rộng rãi vì thực hiện nhanh, chi phí thấp và tương đối hiệu quả. Bác sĩ có thể thực hiện siêu âm đầu dò âm đạo hoặc siêu âm bụng. Hình ảnh trên siêu âm sẽ thấy buồng trứng sưng to, chèn lên phía trước và phía trên tử cung, các nang noãn phù nề, lớp niêm mạc dày, giảm hoặc mất tín hiệu mạch máu của buồng trứng

Kỹ thuật khác bao gồm chụp cắt lớp vi tính (CT scan) và chụp cộng hưởng từ (MRI) là các phương tiện chẩn đoán hình ảnh có thể được sử dụng. Bên cạnh đó, bệnh nhân còn được xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu, đo số lượng tế bào bạch cầu trong cơ thể.

Siêu âm chẩn đoán xoắn buồng trứng là kỹ thuật được sử dụng rộng rãi.

Ngoài ra, còn có chẩn đoán phân biệt, bác sĩ có thể yêu cầu làm xét nghiệm máu và nước tiểu để loại trừ những nguyên nhân khác như áp xe buồng trứng, nhiễm trùng đường tiết niệu, thai ngoài tử cung, viêm ruột thừa,…

Thông qua các xét nghiệm trên, bác sĩ có thể đưa ra chẩn đoán sơ bộ về tình trạng xoắn buồng trứng. Để xác định chính xác, bác sĩ cần làm phẫu thuật.

Bệnh nhân xoắn buồng trứng sẽ được chỉ định thực hiện phẫu thuật (tốt nhất là trước 6 giờ) để khôi phục lưu lượng máu cho buồng trứng. Trường hợp xoắn buồng trứng kéo dài, phát hiện muộn, lưu lượng máu tới buồng trứng bị thiếu, buồng trứng bị hoại tử, bác sĩ sẽ phải phẫu thuật loại bỏ buồng trứng.

Khi bị xoắn buồng trứng, nguy cơ vỡ, nứt, nhiễm trùng, nhiễm độc và mất máu cấp rất cao, có thể ảnh hưởng tới khả năng sinh sản và thậm chí là gây tử vong. Do đó, khi xuất hiện triệu chứng xoắn buồng trứng, cần đi khám bác sĩ ngay để được chẩn đoán chính xác, can thiệp điều trị kịp thời.

Để tránh những hậu quả không đáng có cũng như ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản về sau. Hiện nay Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec có triển khai Gói khám, sàng lọc bệnh lý phụ khoa cơ bản, giúp chị em phụ nữ phát hiện bệnh sớm các bệnh lý viêm nhiễm giúp điều trị dễ dàng, không tốn kém. Bên cạnh đó gói thăm khám còn sàng lọc phát hiện sớm ung thư phụ khoa (Ung thư cổ tử cung) một căn bệnh ung thư chiếm tỷ lệ cao hiện nay.

Việc thăm khám luôn được thực hiện bởi đội ngũ bác sĩ giàu chuyên môn, có nhiều năm kinh nghiệm đã điều trị khỏi nhiều trường hợp bệnh nhân mắc các bệnh phụ khoa.

Để được tư vấn trực tiếp, Quý Khách vui lòng bấm số 1900 232 389 (phím 0 để gọi Vinmec) hoặc đăng ký lịch khám tại viện TẠI ĐÂY. Nếu có nhu cầu tư vấn sức khỏe từ xa cùng bác sĩ Vinmec, quý khách đặt lịch tư vấn TẠI ĐÂY. Tải ứng dụng độc quyền MyVinmec để đặt lịch nhanh hơn, theo dõi lịch tiện lợi hơn

NO COMMENTS

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Exit mobile version